Print this page
02 Apr 2014

IMG 0331 PR

Khẩu-Ðộ Và Tốc-Ðộ
Lê-Ngọc-MINH (VNUSPA)

Khẩu-độ (hay quang-khẩu) là độ mở của màng trập trong ống kính, lớn hay nhỏ, để ánh sáng đem hình ảnh lọt qua đó mà ghi lên mặt phim.Tốc-độ là khoảng thời-gian mà màng trập mở rồi đóng, nhanh hay chậm, để hình ảnh lọt qua khẩu-độ mà ghi lên mặt phim. Màng trập là một cơ-phận gồm nhiều lá thép mỏng kết-hợp với nhau tạo thành một lỗ hổng mà ta có thể mở lớn hoặc đóng nhỏ lại; lỗ hổng này chính là khẩu-độ.Ba yếu-tố kể trên cho ta một hình ảnh giản-dị, căn-bản về bộ màng trập Synchro-Compur, do Ðức sáng-chế năm 1912, ngày nay vẫn còn được dùng trên ống kính Hasselblad 500CM và 503 CX. Qua thời-gian, màng trập lá thép được cải biến thành màn trập (theo kiểu như màn cửa), nhưng kết-quả căn-bản cũng vẫn như trên, nghĩa là sao cho ánh sáng vào mặt phim nhiều hay ít để ghi hình ảnh vào đó.Khẩu-độ và tốc-độ là hai yếu-tố tuy có bề ngoài giản-dị, nhưng hay làm các bạn ảnh mới bối rối. Dù ta ở trong lãnh-vực nhiếp-ảnh sơ-cấp hay cao cấp, ta cũng vẫn phải phối-hợp hai yếu-tố này sao cho thỏa-mãn điều-kiện ánh sáng ở địa-điểm thu hình, tùy đề-tài động hay tĩnh, nét sâu hay nét cạn... sự thành bại của tác-phẩm đều phải tùy thuộc vào hai yếu-tố sơ-đẳng ấy.Ánh sáng chiếu xuống cảnh vật có khi mạnh, có khi yếu. Ánh sáng mạnh, ta phải chụp với khẩu-độ nhỏ hoặc tốc-độ nhanh, hoặc cả hai. Ánh sáng yếu, ta phải chụp với khẩu-độ lớn hoặc tốc-độ chậm, hoặc cả hai.Nếu ánh sáng mạnh mà ta lại dùng phim nhạy sáng, ta sẽ phải chụp với khẩu-độ nhỏ và tốc-độ nhanh hơn nữa, nếu không phim sẽ bị thừa sáng. Ngược lại, nếu ánh sáng yếu mà ta lại dùng phim chậm, ta sẽ phải chụp với khẩu-độ lớn và tốc-độ chậm hơn nữa, nếu không phim sẽ bị thiếu sáng.Tốc-độ chậm có khuyết-điểm và lợi-điểm của nó. Chụp với tốc-độ chậm máy dễ bị rung, do đó hình ảnh mờ, nhòe; tốc-độ chậm cũng làm các đề-tài di-động (thí-dụ như người đi bộ, xe cộ di-chuyển...) bị chao mờ. Tuy nhiên người ảnh tháo-vát lợi-dụng tính chao mờ này của tốc-độ chậm để diễn-tả tính "động" của đề-tài di-động.Tốc-độ nhanh giúp ta bắt đứng được hình ảnh di-động (lực-sĩ nhẩy cao trên sà ngang, lực-sĩ xe đạp vượt mức đến...), nhưng hình ảnh bị bắt đứng giữa trời theo kiểu "đông lạnh" này thường không được người ảnh sành điệu chấp-nhận vì tính-cách "tĩnh" của nó.Khẩu-độ lớn cũng có khuyết-điểm và lợi-điểm của nó. Chụp với khẩu-độ lớn độ nét sâu bị giảm, nghĩa là ta lấy nét chính-xác vào nơi nào chỉ có nơi đó nét, trước đó và sau đó hình ảnh mờ ngay. Tuy nhiên ta có thể lợi-dụng đặc-tính này của khẩu-độ lớn để tách rời chủ-đề ra khỏi bối-cảnh để nhấn mạnh chủ-đề hay để xóa mờ rác rưởi... điển-hình là ảnh chân-dung.Khẩu-độ nhỏ làm tăng độ nét sâu, làm hình ảnh nét từ gần đến xa, thích-hợp với một số ảnh như ảnh phong-cảnh, phóng-sự, nhưng lại không thích-hợp với một số ảnh khác như ảnh chân-dung...Khẩu-độ và tốc-độ là hai yếu-tố tuy liên-quan mật-thiết với nhau nhưng lại không đồng điệu : mở ống kính cho lớn để khỏi thiếu sáng thì lại sợ tốc-độ chậm làm rung máy, để tốc-độ nhanh cho máy khỏi bị rung thì lại sợ khẩu-độ nhỏ làm thiếu sáng... Cho nên người ảnh thành-công là người biết phối-hợp, không những hai yếu-tố đó mà còn thêm hai yếu-tố khác cũng không kém quan-trọng là phim nhanh hay chậm và ánh sáng mạnh hay yếu, sao cho đúng về phương-diện kỹ-thuật, khi chụp và đúng về phương-diện mỹ-thuật, sao cho hợp với ý nghĩa của chủ-đề.Nói đến những yếu-tố trái ngược, ta thử lấy một thí-dụ bình-dân, xin độc-giả bỏ qua sự-kiện chính-xác ngoài đời, dễ dãi chấp-nhận thí-dụ sau đây, không có mục-đích gì hơn là một thí-dụ.Bé Tèo bị đau, uống một thang thuốc thì sẽ khỏi bệnh. Giả tỉ lượng thuốc cần và đủ để bé Tèo uống cho khỏi bệnh là 200 cc; nếu bé Tèo mở miệng lớn thì thời-gian uống thuốc mau; nếu bé Tèo mở miệng nhỏ thời-gian uống thuốc lâu. Nếu sự việc xẩy ra ở mức-độ bình thường như vậy, việc uống thuốc đạt được kết-quả, bé Tèo khỏi bệnh.Tương-tự, ta dự-tính chụp ảnh dưới một điều-kiện ánh sáng. Giả-tỉ ta dùng phim 200 ISO, khẩu-độ lớn thì tốc-độ phải thật nhanh. Nếu ta dùng khẩu-độ nhỏ, thì tốc-độ phải chậm hơn. Nếu sự việc xẩy ra ở mức-độ bình thường như vậy, việc chụp ảnh sẽ đúng sáng.Nhưng chuyện uống thuốc của bé Tèo và việc chụp ảnh của ta không giản-dị như vậy.Nếu bé Tèo mở miệng lớn mà ta đổ thuốc vào nhiều thì khi bé Tèo khép miệng lại, thuốc đã vào quá phân-lượng cần-thiết, việc uống thuốc hỏng. Nếu bé Tèo mở miệng nhỏ mà ta đổ thuốc vào mau, thuốc vào không kịp tất đổ xuống đất, phân-lượng thuốc phải uống chưa đủ, việc uống thuốc cũng bị hỏng.Tương-tự, nếu khi chụp ta mở khẩu-độ lớn mà ta lại chụp bằng tốc-độ chậm thì khi bấm máy, ánh sáng vào nhiều quá, nghĩa là thừa sáng, hỏng. Nếu ta đóng khẩu-độ nhỏ mà lại chụp bằng tốc-độ nhanh, thì khi bấm máy, ánh sáng vào chưa đủ màng trập đã đóng mất rồi, do đó ta chụp thiếu sáng, cũng hỏng.Do đó vấn-đề thành hay bại của việc uống thuốc là lượng thuốc vừa đủ, bé Tèo mở miệng đủ lớn và đủ lâu để ta đổ thuốc vào cho vừa hết. Cũng vậy, muốn chụp ảnh cho đúng sáng, ta phải tùy theo ánh sáng mạnh hay yếu, dùng phim chậm hay nhanh, khẩu-độ nhỏ hay lớn và tốc-độ chậm hay nhanh mà chỉnh những yếu-tố đó sao cho đúng sáng.Quang-kế, gọi nôm na là máy đo sáng, sẽ hướng-dẫn ta một phần lớn trong việc phối-hợp những yếu-tố thay đổi đó. Tuy vậy, quang-kế chỉ đóng vai trò khuyến-cáo một cách vô-tư, người ảnh kinh-nghiệm phải tùy hoàn-cảnh xung quanh và ý nghĩa của tác-phẩm để chọn lựa, phối-hợp hoặc gia-giảm hầu đạt được kết-quả mong muốn.


A. KHẨU-ÐỘ CỦA ỐNG KÍNH. Khẩu-độ của ống kính là tỉ-số giữa tiêu-cự của ống kính (F) với đường kính của độ mở (d), khi ống kính được chỉnh tới vô-cực.tiêu-cự của ống kính F
f = ________________________ =
đường kính của độ mở df được gọi là nấc khẩu-độ (f-stop).Ðể tiêu-chuẩn-hóa tiêu-cự và nấc khẩu-độ, các nhà sản-xuất đã đồng-ý dùng một số tiêu-cự F tiêu-chuẩn, thí-dụ 28mm, 35mm, 50mm, 55mm, 85mm, 90mm, 105mm, 135mm v.v. và dùng một số nấc thang khẩu-độ :1.1 1.6 2.2 3.2 4.5 6.3 9 12.5 18 25 36 481.2 1.8 2.5 3.5 5 7 10 14 20 28 40 561 1.4 2 2.8 4 5.6 8 11 16 22 32 45Trong số ba nấc thang khẩu-độ kể trên, hai nấc trên không còn dùng nữa, tuy nhiên ta vẫn còn thấy khắc ở các ống kính cũ; nấc thứ ba hiện đang được dùng trên các máy ảnh ngày nay.Trị-số khẩu-độ càng nhỏ, đường-kính mở của màng trập càng lớn; trị-số khẩu-độ càng lớn, đường-kính mở của màng trập càng nhỏ.* Khẩu-độ 1.4 : đường-kính mở của màng trập lớn, cho ánh sáng vào nhiều hơn, dùng khi nào chụp ở tình-trạng thiếu sáng hay tranh tối tranh sáng. Khẩu-độ lớn làm khoảng nét sâu bị giảm (khi chụp, ta phải lấy nét cho chính-xác, nếu không chủ-đề dễ bị mờ), ta lợi-dụng đặc-tính này để xóa mờ bối-cảnh (tiền-cảnh và hậu-cảnh) cho nhòe đi. Ở khẩu-độ này, khả-năng ghi nhận chi-tiết, màu sắc, sắc-độ... không được sắc sảo lắm.* Khẩu-độ 2, 2.8 và 4 : đường-kính mở khá lớn, dùng khi chụp ở tình-trạng thiếu sáng hay tranh tối tranh sáng. Khoảng nét sâu cũng vẫn còn ít (nếu dùng ống kính tầm rộng thì khoảng nét sâu được nhiều hơn), vẫn cần phải lấy nét cho chính-xác. Ta cũng dùng khẩu-độ này để xóa mờ bối-cảnh.* Khẩu-độ 5.6 : dùng khi hơi thiếu sáng, hay khi ta muốn làm mờ nhòe bối-cảnh. Ở khẩu-độ này khả-năng ghi nhận chi-tiết, màu sắc, sắc-độ... khá cao (chỉ kém f/8). Dùng khẩu-độ này khi chụp chân-dung, phong-cảnh, sinh-hoạt, phóng-sự...* Khẩu-độ 8 : khả-năng ghi nhận chi-tiết, màu sắc, sắc-độ cao nhất, gọi là "khẩu-độ tối-hảo". Dùng khẩu-độ này khi chụp chân-dung, phong-cảnh, hoạt-cảnh, phóng-sự, tài-liệu sinh-hoạt, chụp toàn-cảnh...* Khẩu-độ 11 : khả-năng ghi nhận khá cao, dùng khẩu-độ này khi ánh sáng hơi mạnh, hay khi ta muốn làm tăng khoảng nét sâu (nét phía trước và phía sau chủ-đề...). Cũng dùng khi chụp chân-dung, phong-cảnh, sinh-hoạt, tranh tài thể thao, phóng-sự, tài-liệu sinh-hoạt...* Khẩu-độ 16 và 22 : đường-kính của màng trập nhỏ, cản bớt ánh sáng vào ống kính, đồng-thời làm tăng khoảng nét sâu. Dùng để chụp khi nào ánh sáng quá mạnh hay khi ta muốn "nét từ gần đến xa". Vì đặc-tính này, ta có thể lấy nét "phỏng chừng" khi chụp mà vẫn được hình ảnh sắc nét. Dùng khẩu-độ này khi chụp phong-cảnh, phóng-sự, tài-liệu sinh-hoạt... Khả-năng ghi nhận chi-tiết, màu sắc, sắc-độ không được tốt bằng f/8.
ÐẶC-TÍNH CỦA KHẨU-ÐỘ.* Lấy bất cứ hai khẩu-độ nào liền nhau, thí-dụ f/4 và f/5.6. Khẩu-độ f/4 có diện-tích quang-khẩu lớn gấp HAI lần f/5.6, do đó cho ánh sáng vào mặt phim nhiều gấp HAI lần f/5.6.Ngược lại, f/5.6 có diện-tích quang-khẩu nhỏ bằng NỬA f/4, do đó cản ánh sáng vào mặt phim chỉ bằng NỬA f/4.* Càng ÐÓNG khẩu-độ vào (f/16, f/22...) khoảng nét sâu càng gia-tăng.* Càng MỞ khẩu-độ lớn (f/2.6, f/2, f/1.4...) khoảng nét sâu càng giảm.* Ðóng thật nhỏ hay mở thật lớn khẩu-độ đều làm giảm phẩm-chất của hình ảnh. Ða số ống kính, f/8 là khẩu-độ tối-hảo.* Khi chụp, ta chọn khẩu-độ trước, khi nào chủ-đề không di-động (phong-cảnh, tĩnh-vật, kiến-trúc, chân-dung tĩnh, đám-đông chuyển-động chậm...) rồi chỉnh tốc-độ cho thích-hợp, tùy theo điều-kiện ánh sáng lúc bấy giờ.
Những hình vẽ dưới đây cho ta một ý-niệm về khẩu-độ :
.............(hình vẽ)................Qua hình vẽ này ta thấy :* Trị-số f càng lớn (f/11, f/16...) thì độ mở của ống kính càng nhỏ.* Trị-số f càng nhỏ (f/2, f/1.4...) thì độ mở của ống kính càng lớn.* So sánh hai khẩu-độ sát bên nhau. Khẩu-độ nào có trị-số f nhỏ thì có diện-tích của độ mở lớn gấp hai lần trị-số f lớn.* Do đó, theo hình vẽ trên, từ trái qua phải, f/1.4 có diện-tích của độ mở lớn gấp hai lần f/2, f/2 lại lớn gấp hai lần f/4 v.v... Từ phải qua trái, f/16 có diện-tích của độ mở nhỏ bằng nửa f/11, f/11 lại nhỏ bằng nửa f/8 v.v...* Cho nên, nếu "đóng ống kính vào một nấc ", thí-dụ từ f/5.6 xuống f/8 là ta đã "cắt ánh sáng" chỉ còn có một nửa. Ngược lại, nếu "mở ống kính ra một nấc", thí-dụ từ f/5.6 sang f/4 là ta đã "tăng ánh sáng" lên gấp hai.* Các danh-từ "đóng ống kính", "đóng khẩu-độ" hay "mở ống kính", "mở khẩu-độ" là các ngôn-từ quen thuộc mà các bạn ảnh hay dùng trong các buổi đi săn ảnh hay phê-bình ảnh, chính là hành-động bớt sáng hay thêm sáng trong khi chụp, đồng-thời cũng làm tăng hay giảm khoảng nét sâu của hình ảnh.* Càng mở rộng khẩu-độ, độ nét sâu càng giảm. Càng đóng nhỏ khẩu-độ, độ nét sâu càng tăng.* Khẩu-độ tối-hảo của đa-số ống kính là f/8. Ở khẩu-độ này ống kính làm việc đắc-lực nhất, nghĩa là nó ghi nhận được đầy đủ chi-tiết nhất, màu sắc trung-thực nhất, đen trắng phân-minh nhất, nói chung, phẩm-chất của hình ảnh xuất sắc nhất. Kế đó là hai khẩu-độ f/5.6 và f/11.* Càng mở rộng khẩu-độ (f/2, f/1.4...) hay càng đóng nhỏ khẩu-độ (f/16, f/22...) sự sắc-sảo của ống kính càng giảm, do đó, nếu tránh được, nên tránh. Ống kính máy lớn (máy field và máy view) được chế-tạo theo một công-thức khác không như máy cỡ trung và máy cỡ nhỏ, do đó không thuộc phạm-vi bài này.

B. TỐC-ÐỘ CỦA MÁY ẢNH. Tốc-độ của máy ảnh là thời-gian màng trập mở rồi đóng, trong khoảng thời-gian đó, hình ảnh lọt qua ống kính để ghi vào mặt phim. Tốc-độ của máy ảnh được đo-lường bằng giây hay một phần nào đó của một giây, thí-dụ 1/60 giây, 1/1000 giây v.v...Tốc-độ máy cũng được các hãng sản-xuất tiêu-chuẩn-hóa theo nấc thang tốc-độ :T B 1 1/2 1/4 1/8 1/15 1/30 1/60 1/125 1/250 1/500 1/1000 1/2000 1/4000 1/8000Thang tốc-độ này được dùng ở máy ảnh bán tự-động hay máy ảnh cơ-hành; nhưng ngày nay các máy ảnh điện-tử quang-kế tự-động có thể không còn theo thang tốc-độ này, tốc-độ máy có thể là bất cứ con số nào, thí-dụ 1/279 giây, 1/422 giây v.v...Với loại máy ảnh cũ mà ngày nay thỉnh thoảng ta còn thấy, họ dùng nấc thang tốc-độ cũ như 1/20, 1/40, 1/80, 1/100, 1/200 giây v.v.Sau đây là một số điều cần biết về tốc-độ máy ảnh :* T (time) là tốc-độ mở lâu, khi ta bấm máy lần thứ nhất, màng trập MỞ, khi bấm máy lần thứ hai, màng trập ÐÓNG. Nhiều máy ảnh 35 mm ngày nay không có tốc-độ T. Khi chụp gắn máy lên chân máy và dùng dây bấm mềm.Ứng-dụng : khi nào cần thời-gian thu hình lâu, như chụp cảnh thành phố ban đêm, chụp pháo bông...* B (bulb) là tốc-độ mở lâu, khi ta bấm máy và giữ như vậy, màng trập MỞ, khi ta buông tay, màng trập ÐÓNG. Dùng chân máy và dây bấm mềm.Ứng-dụng : khi nào cần thời-gian thu hình lâu, như chụp cảnh thành phố ban đêm, chụp pháo bông...* 1 là một giây. Dùng để thu hình khi nào thiếu sáng (mà ta không muốn dùng flash) hay khi chủ-đề bất-động (chụp tĩnh-vật, hoa...) hầu ta có thể đóng khẩu-độ nhỏ cho có khoảng nét sâu. Dùng chân máy và dây bấm mềm.* 2, 4, 8 có nghĩa là 1/2 giây, 1/4 giây, 1/8 giây. Chụp khi ở trường-hợp tranh tối tranh sáng, khi chụp chân-dung trong nhà (mà ta không muốn dùng flash), khi chủ-đề bất động (như chụp tĩnh vật)... hay khi ta muốn đóng khẩu-độ nhỏ cho có khoảng nét sâu. Dùng chân máy và dây bấm mềm.* 15, 30 có nghĩa là 1/15 và 1/30 giây. Dùng khi chụp thiếu sáng hay khi chủ-đề bất-động như trên. Cũng có thể để tạo tính-cách "động" khi chủ-đề di-động, làm hình ảnh hơi mờ nhoè (thí-dụ : em bé tập đi, con mèo di-chuyển, gió lay động lá cây, giọt nước mưa ngoài cửa sổ, suối nước chẩy...). Dùng chân máy và dây bấm mềm.Nếu không dùng chân máy, ta cố-tình "lia" máy theo chủ-đề di-động, làm chủ-đề tương-đối nét mà bối-cảnh mờ nhoè, cũng để diễn-tả tính-cách "động"...* 60, 125 có nghĩa là1/60, 1/125 giây. Từ tốc-độ này trở đi ta có thể cầm máy thật vững chắc, bấm máy mà ít sợ bị rung máy. Tuy nhiên, muốn hình ảnh sắc nét, ta vẫn phải dùng chân máy và dây bấm mềm. Thường dùng khi chụp ảnh ban ngày, ngoài trời, chụp ảnh kỷ-niệm hay thể-thao, du-lịch... Tốc-độ này đã có thể "bắt đứng" được những chủ-đề di-chuyển như người chạy bộ ở xa, người quét đường, đi bộ, xe đạp chậm, phi-cơ ở xa...* 250, 500, 1000 có nghĩa là 1/250, 1/500, 1/1000 giây. Những tốc-độ này "bắt đứng" được những chủ-đề di-chuyển nhanh như các cuộc tranh-tài thể-thao (túc cầu, bóng chuyền, bóng rổ, nhu-đạo, đua xe hơi, mô-tô, xe đạp, chạy bộ...). Cầm tay bấm mà ít sợ bị rung máy, tuy nhiên, nếu được, cũng vẫn nên dùng chân máy và dây bấm mềm để khỏi rung máy.Xin lưu-ý : tốc-độ nhanh làm hình ảnh như bị "đông lạnh"; có người thích dùng tốc-độ chậm, lia máy theo chủ-đề để tạo tính-cách "động"...* 2000, 4000, 8000 có nghĩa là 1/2000, 1/4000, 1/8000 giây. Tốc-độ cực nhanh, đặc-tính cũng như trường-hợp trên. Tuy nhiên không phải máy nào cũng có tốc-độ nhanh như vậy.* B là độ mở liên-tục. Khi ta bấm máy, màng trập mở, nếu ta tiếp-tục giữ nút bấm đó thì màng trập vẫn còn mở, khi ta buông nút bấm ra thì màng trập đóng.* T cũng là độ mở liên-tục. Khi ta bấm máy lần thứ nhất, màng trập mở; khi ta bấm máy lần thứ hai, màng trập đóng.Khi nào nhu-cầu tốc-độ kéo dài từ hai giây hay lâu hơn thì ta dùng tốc-độ B và T.* Tốc-độ chậm gồm 1/30, 1/15... tới 1 giây.* Tốc-độ trung-bình gồm 1/60, 1/125, 1/250 giây.* Tốc-độ nhanh gồm 1/500, 1/1000... tới 1/8000 giây.* Tốc-độ 1/60 thì "nhanh gấp hai lần" tốc-độ 1/30 hoặc tốc-độ 1/60 thì "chậm bằng nửa" tốc-độ 1/125 v.v...Trong các chuyến đi săn ảnh ta thường nghe các bạn ảnh nói "chụp nhanh hơn một nấc" có nghĩa là ta chuyển từ tốc-độ chậm mà ta đang dùng sang nấc kế bên đó nhanh gấp hai, thí-dụ từ 1/60 (chậm) sang 1/125 (nhanh hơn) hoặc từ 1/250 (chậm) sang 1/500 (nhanh hơn). Hoặc nói "chụp chậm đi một nấc" có nghĩa là ta chuyển từ tốc-độ nhanh mà ta đang dùng sang nấc kế bên đó, chậm còn có một nửa, thí-dụ từ 1/1000 (nhanh) sang 1/500 (chậm hơn) hoặc từ 1/125 (nhanh) sang 1/60 (chậm hơn).* Tốc-độ nhanh (1/500 - 1/8000) bắt đứng các hình ảnh chuyển-động (xe cộ chạy, cầu-thủ đá banh, trẻ em rượt đuổi...).* Tốc-độ chậm làm cho các đề-tài di-động (người đi bộ, xe cộ di-chuyển, tranh tài thể-thao...) mờ nhòe; mờ nhiều hay ít còn tùy theo khoảng cách, tốc-độ di-chuyển và hướng di-chuyển của chủ-đề.* Mỗi loại máy thường có một tốc-độ đặc-biệt nào đó để dùng khi chụp bằng flash (thường là flash điện-tử). Ở tốc-độ này, khi ta chụp, màng trập mở, mở hoàn-toàn, flash chớp soi sáng cảnh vật rồi tắt, sau đó màng trập mới đóng lại. Ta có thể dùng tốc-độ chậm hơn để chụp flash, nhưng không thể dùng tốc-độ nhanh hơn.Tốc-độ flash thường được đánh dấu bằng màu sắc khác biệt ở núm tốc-độ, hoặc ở các máy cũ, đánh dấu bằng mũi tên gẫy. Muốn biết tốc-độ flash của máy ảnh, xem cuốn sách chỉ-dẫn kèm theo máy.

C. PHỐI-HỢP KHẨU-ÐỘ VÀ TỐC-ÐỘ. Ðây là một vấn-đề tương-đối hơi phức-tạp, làm các nhiếp-ảnh-gia tài-tử như chúng ta đôi khi bối rối, vì khi nào chọn khẩu-độ trước, khi nào chọn tốc-độ trước, huống chi khẩu-độ và tốc-độ lại tùy thuộc ở ánh sáng mạnh hay yếu, lại thêm yếu-tố phim nhanh hay chậm và đề-tài động hay tĩnh...Giữa hai yếu-tố khẩu-độ và tốc-độ có một sự liên-hệ hỗ-tương. Một khi đã chọn được khẩu-độ và tốc-độ cho "đúng sáng", nếu ta đóng khẩu-độ vào một nấc (hay hai, ba nấc...) đồng-thời để tốc-độ chậm lại một nấc (hay hai, ba nấc...) thì việc "đúng sáng" này vẫn còn đúng.Muốn chụp cho đúng sáng, ta dùng quang-kế. Quang-kế là dụng-cụ để đo ánh sáng, giúp ta biết khẩu-độ và tốc-độ nào khi chụp sẽ được một tấm ảnh "đúng sáng". Tuy nhiên có một điều mà quang-kế không giúp ta được là khi nào thì dùng khẩu-độ nhỏ, khi nào dùng khẩu-độ lớn, khi nào dùng tốc-độ chậm, khi nào dùng tốc-độ nhanh... Những yếu-tố này cần sự quyết-định của nhiếp-ảnh-gia, sau đây là một số điều ta chỉ đề-cập qua, vì đã nói đến ở phần đầu.* Khẩu-độ nhỏ cho độ nét sâu (nét từ gần đến xa).* Khẩu-độ lớn làm giảm độ nét sâu (chỉ nét nơi nào mà ta chỉnh khoảng cách đúng).* Tốc-độ nhanh bắt đứng được các đề-tài di-động, không bị mờ nhòe.* Tốc-độ chậm làm các đề-tài di-động bị mờ nhòe; tốc-độ chậm cũng dùng để chụp các tĩnh-vật nếu ta muốn đóng khẩu-độ nhỏ để cho có độ nét sâu.Vì vậy :* Ðối với các đề-tài bất-động, phong-cảnh, kiến-trúc... khẩu-độ nắm phần quyết-định, có nghĩa là ta chọn khẩu-độ trước, sao cho có độ nét sâu theo ý muốn. Sau đó, ta đo sáng để tìm xem tốc-độ nào thích-hợp, dĩ-nhiên là phải tùy theo độ nhạy của phim, sao cho được "đúng sáng". Tốc-độ này có thể khá nhanh (1/125 giây hay nhanh hơn, tùy theo loại phim), mà cũng có thể chậm (1/60 giây hay chậm hơn, cũng tùy theo loại phim). Dùng chân máy và dây bấm mềm cho máy khỏi bị rung.Nên lợi-dụng yếu-tố tối-hảo của khẩu-độ (f/8, f/11) để ảnh có phẩm-chất cao; nếu muốn có độ nét sâu hơn, dùng khẩu-độ nhỏ (f/16, f/22).* Ðối với các đề-tài di-động, tốc-độ nắm phần quyết-định, nghĩa là ta chọn tốc-độ trước, sau đó ta đo sáng để tìm ra khẩu-độ thích-hợp để chụp cho "đúng sáng". Khi đề-tài di-động, dùng tốc-độ nhanh ta sẽ bắt đứng được hình ảnh đó; trong trường-hợp này, khẩu-độ có thể nhỏ hay rất nhỏ, tùy loại phim sử-dụng. Nếu dùng tốc-độ chậm, hình ảnh có thể bị mờ nhoè, nhưng khéo léo khai-thác, tính mờ nhoè này có thể làm tăng tính động của đề-tài; trường-hợp này, khẩu-độ có thể lớn hay khá lớn, tùy loại phim nhanh hay chậm.


D. ÐỘ NÉT CỦA ẢNH. Ðộ nét sâu của hình ảnh là khoảng nét ở phía trước và phía sau chủ-đề cộng lại.Ta đã biết là khi ta "lấy nét đúng" vào nơi nào thì nơi đó nét; đối với ảnh đen trắng, nơi đó sắc-độ và sự đen trắng phân-minh nhất; đối với ảnh màu, nơi đó màu sắc tươi rõ nhất và cũng phân-minh nhất.Trên lý-thuyết, chỉ có một "mặt phẳng nét", đó là những điểm cách xa máy ảnh một khoảng dài bằng khoảng cách từ máy tới chủ-đề. Trước và sau mặt phẳng đó không có độ nét đúng nữa.Nhưng trên thực-tế ta thấy rằng phía trước chủ-đề hay sau chủ-đề, vẫn có một phần hình ảnh tuy không nét bằng chủ-đề, nhưng ở tình-trạng "chấp-nhận được là nét". Thông thường, khoảng nét phía sau chủ-đề dài gấp hai lần khoảng nét phía trước chủ-đề; thí-dụ khoảng nét phía sau là 4 m, thì khoảng nét phía trước sẽ là 2 m; ta gọi hình ảnh này có độ nét sâu là 6 m. Con số 2, 4 và 6 m này chỉ là một thí-dụ; độ nét sâu tùy thuộc vào các yếu-tố :* Khẩu-độ khi chụp (khẩu-độ lớn độ nét sâu giảm; khẩu-độ nhỏ độ nét sâu gia-tăng).* Tiêu-cự ống kính (tiêu-cự dài độ nét sâu giảm; tiêu-cự ngắn độ nét sâu tăng).* Khoảng cách từ máy tới chủ-đề (thí-dụ ta dùng một ống kính, một tiêu-cự, chụp với một khẩu-độ; khoảng cách giữa máy với chủ-đề gần thì độ nét sâu giảm; khoảng cách đó xa thì độ nét sâu tăng).Một số máy giản-dị cũ, mà chắc có người vẫn còn dùng, có khắc trên ống kính ba hình vẽ : một đầu người, ba người và dãy núi. Hình một đầu người để chụp chân-dung, khoảng cách từ máy đến chủ-đề do hãng máy ảnh chỉnh sẵn khoảng 5 feet hay 1.5 m; hình vẽ ba người để chụp một nhóm người, khoảng cách được chỉnh sẵn khoảng 10 feet hay 3 m; hình vẽ cái núi để chụp cảnh tổng-quát hay phong-cảnh, khoảng cách được chỉnh sẵn khoảng 15 feet hay 5 m. Khi chụp, tùy khoảng cách, ta chỉnh theo ba hình-tượng đó, khoảng cách có thể đúng, có thể gần đúng, nhưng khẩu-độ nhỏ và độ nét sâu sẽ bao-hàm luôn cả chủ-đề, làm cho chủ-đề nằm trong vùng ảnh nét.Ðôi khi vì lý-do khó lấy nét (chụp cảnh tranh tối tranh sáng...) hay không lấy nét được (thí-dụ chụp hoạt-cảnh mà chủ-đề di-động nhanh ta không kịp lấy nét...), ta phải ước lượng khoảng cách rồi chỉnh phỏng chừng vào ống kính. Dùng phim nhạy sáng để có thể đóng nhỏ khẩu-độ, chủ-đề sẽ ở trong khoảng nét sâu đó.Giản-dị hơn cả là dùng máy ảnh tự-chỉnh khoảng cách (auto-focus), ta hướng trung-tâm ống kính về chủ-đề, máy sẽ chỉnh khoảng cách tự-động; ta bấm nhẹ một cái nút trên thân máy để "giữ" khoảng cách đó, bố-cục lại rồi chụp.Nói về độ nét sâu, một số người có quan-niệm có thể nói là sai lầm, khi cho là ảnh phải nét từ đầu đến cuối thì ảnh mới tốt, mới đẹp, thì nhiếp-ảnh-gia mới "giỏi". Sự thật không phải như vậy. Máy ảnh sản-xuất ngày nay, dù là máy rẻ tiền cũng có thể chụp ra tấm ảnh nét từ xa đến gần, người cầm máy chỉ cần đóng khẩu-độ lại cho nhỏ là thực-hiện được điều đó. Tấm ảnh nét sâu hay nét cạn tùy thuộc ở loại ảnh : thường thường ảnh phóng-sự, hoạt-cảnh, phong-cảnh, đám cưới, kỷ-niệm, sinh-hoạt cộng-đồng... cần có độ nét sâu; trái lại, ảnh chân-dung, chỉ cần nét ngay chủ-đề để làm nổi chủ-đề mà không cần nét sâu. Nhiếp-ảnh-gia giỏi là người biết khi nào cần nét sâu, khi nào cần nét ít, đem phần nội-dung, kỹ-thuật và mỹ-thuật vào ảnh, nâng tấm ảnh đó vào hàng tác-phẩm ảnh nghệ-thuật.


E. TỔNG-KẾT. Việc dùng và phối-hợp khẩu-độ, tốc-độ, tuy là những yếu-tố căn-bản, nhưng quan-trọng, vì tất cả những tác-phẩm nhiếp-ảnh nổi danh cũng chỉ được chụp với hai yếu-tố đó. Tuy căn-bản, nhưng việc lựa chọn và sử-dụng khẩu-độ, tốc-độ đòi hỏi kinh-nghiệm của người cầm máy. Kinh-nghiệm này có thể học được, ngoài kinh-nghiệm bản-thân, còn có thể học bằng cách quan-sát các tác-phẩm nhiếp-ảnh của những nhiếp-ảnh-gia nổi tiếng, các nhiếp-ảnh-gia tiền-phong, các nhiếp-ảnh-gia bạn... Học hỏi kinh-nghiệm của chính mình, của người khác, đó là những bước chắc chắn nhất để bước vào vườn ảnh...

Lê-Ngọc-MINH (VNUSPA)

 

Last modified on Wednesday, 25 June 2014 18:57